Ngày 16-4-1975: Giải phóng Ninh Thuận

thaiduyanh34 |

(KGO) – 7 giờ sáng ngày 16-4-1975, bộ đội ta làm chủ thị xã Phan Rang; 9 giờ 30 phút, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa hành chính tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN

Sau khi thất thủ ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và nhiều địa bàn trọng yếu tại các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, chính quyền Việt Nam Cộng hòa hốt hoảng tìm mọi cách trấn giữ Sài Gòn.

Chúng vội vã xây dựng một tuyến phòng thủ mạnh ở Phan Rang, hô hào “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn từ xa, với ý đồ lập “lá chắn thép” ở đây để chặn đường bộ, đường biển của quân ta.

Tại Phan Rang, quân địch tăng cường tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 6 không quân, 2 trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh, Liên đoàn biệt động quân 31, 2 Chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện.

Tất cả các đơn vị trên được bố trí tạo thành tuyến phòng thủ dày đặc từ Du Long vào đến trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy trực tiếp chỉ huy.

Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, Tư lệnh cánh quân duyên hải, Thượng tướng Lê Trọng Tấn quyết định sử dụng Sư đoàn 3 (Quân khu 5), Sư đoàn 325, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6 cùng các lực lượng tại Ninh Thuận lên kế hoạch tấn công “lá chắn thép” Phan Rang của địch; đồng thời giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Ninh Thuận, chủ yếu là bộ đội đặc công, cung cấp tình hình, trinh sát dẫn đường, hiệp đồng đánh địch, truy quét tàn quân.

Rạng sáng ngày 16-4-1975, từ các hướng, bộ binh và xe tăng của ta đồng loạt tiến công các mục tiêu trong thị xã Phan Rang.

Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 dẫn đầu tiến công binh lính Tiểu đoàn 3, Liên đoàn biệt động quân 31 phòng thủ ở Hội Diên, An Xuân, sau đó tiến về phía ngã ba Cà Đú, ấp Đái Sơn. Tiểu đoàn 2 và 3 hành quân cơ giới tiếp sau. Lữ đoàn 164 pháo binh chi viện hỏa lực.

Sư đoàn 3, Quân khu 5 và Trung đoàn 25 cùng phối hợp với mũi thọc sâu của Sư đoàn 325 tiến công một số mục tiêu trong thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Trung đoàn 101 và Sư đoàn 3 anh dũng đánh lui các đợt phản kích của địch, chiếm sân bay Thành Sơn.

7 giờ cùng ngày, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Rang.

Một bộ phận quân ta nhanh chóng ra chiếm cảng Tân Thành, Ninh Chữ. Một bộ phận khác theo đường 1 tiến xuống phía nam thị xã chiếm cầu Đạo Long, quận lỵ Phú Quý. Bị mất thị xã Phan Rang trong chớp nhoáng, quân địch vô cùng khiếp hãi, hoảng loạn tháo chạy.

Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa hành chính tỉnh Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng.

Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta trên các hướng, các mũi, quân địch chống cự yếu dần rồi bỏ vũ khí tháo chạy hỗn loạn.

Hơn 1 vạn quân địch ở tuyến phòng thủ Phan Rang bị diệt và tan rã. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, cùng cùng nhiều sĩ quan, binh lính địch bị bắt.

Quân ta thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, trong đó có các máy bay A37 còn nguyên vẹn.

Trận tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang của địch bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng đã thắng lợi giòn giã. “Lá chắn thép” Phan Rang của địch bị đập tan làm suy yếu và rung động tuyến phòng ngự chủ yếu của địch trên hướng đông từ Phan Thiết đến Xuân Lộc, tạo thế mở đường cho quân ta tiếp tục theo đường 1 tiến về giải phóng Sài Gòn.

22 giờ ngày 16-4-1975, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang.

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương điện cho Quân đoàn 2 lệnh: phải nhanh chóng truy kích địch, phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết giành thắng lợi mới; khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân chiến đấu, kịp thời gian tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Ngày 16-4-1975, tại sở chỉ huy ở Đồng Xoài, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 tổ chức giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc.

Một số đơn vị thuộc Quân đoàn 3 như Trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn phòng không 593, Trung đoàn công binh 575 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn công binh 7), Trung đoàn thông tin 29, Trung đoàn đặc công 198 và lực lượng hậu cần Quân đoàn 3, đã có mặt tại vị trí tập kết và triển khai công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cùng ngày, tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh cho đại sứ Matin ở Sài Gòn thuyết phục và gây sức ép buộc Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức để mong cứu vãn được tình thế.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 091 3122 424

VIDEO NỔI BẬT TUẦN QUA

TIN NỔI BẬT Á CHÂU

Tiết lộ về 15 khẩu đại bác 60 tấn sẽ gây bất ngờ trong ngày trọng đại của đất nước

07/04/2025 21:53

Đội pháo lễ sẽ bắn 21 loạt trên nền Quốc thiều Việt Nam trong ngày trọng đại của đất nước.   15 khẩu đại bác nặng tổng 60 tấn sẵn sàng ở Công viên Bến Bạch Đằng Tối ngày 6 tháng 4, Lữ đoàn Pháo binh 96 đã điều động và bố trí 15 khẩu [...]

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị khởi tố vì sản xuất hàng giả

04/04/2025 19:15

Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk. Tối 4/4, thông tin tại cuộc họp báo Quý I, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công [...]

    Báo lỗi cho Cafe mới



    *Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại


    Translate »