Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88. Ảnh: Fotogramma |
Ngày 13/3/2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires (Argentina), đã được bầu làm Giáo hoàng thứ 266, với tông hiệu Francis. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội Công giáo có một Giáo hoàng đến từ châu Mỹ Latin, cũng là người đầu tiên thuộc “Dòng Tên” và chọn tên thánh Francis Assisi – vị thánh biểu tượng của sự nghèo khó, khiêm nhường và bảo vệ thiên nhiên.
Sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires trong một gia đình nhập cư gốc Italia, ông Jorge Mario Bergoglio từng học kỹ thuật hóa học và làm việc trong phòng thí nghiệm trước khi bước vào đời sống tu trì. Năm 1958, ông gia nhập “Dòng Tên”, và được phong chức linh mục vào năm 1969. Sau nhiều vị trí lãnh đạo trong Giáo hội, năm 2001, ông được Giáo hoàng John Paul II phong Hồng y.
Trước và sau khi lên ngôi Giáo hoàng, ông Francis luôn nổi bật với lối sống đơn sơ, từ chối xa hoa và ưu tiên gần gũi với người nghèo. Ông thường sử dụng phương tiện công cộng, sống tại Nhà Thánh Marta thay vì dinh thự giáo hoàng truyền thống – một biểu tượng cho sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo của Vatican.
Từ ngày đầu tiên nhậm chức, Giáo hoàng Francis đã thổi làn gió mới vào Giáo hội, nhấn mạnh đến lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu thương thay vì những quy tắc hà khắc. Ông kêu gọi Giáo hội bước ra khỏi chính mình, đến với người yếu thế và bị gạt ra bên lề xã hội.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis công bố thông điệp “Laudato Si’”, trong đó ông kêu gọi bảo vệ Trái đất như “ngôi nhà chung” của nhân loại. Thông điệp không chỉ nói về biến đổi khí hậu mà còn chỉ ra mối liên hệ sâu sắc giữa khủng hoảng môi trường và bất công xã hội, một trong những lập trường tiên phong của Vatican thời hiện đại.
Năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, ông tiếp tục đưa ra thông điệp “Fratelli Tutti”, kêu gọi thế giới vượt qua chia rẽ, chủ nghĩa cá nhân và xây dựng tình huynh đệ toàn cầu, bất kể khác biệt quốc gia, tôn giáo hay văn hóa.
Dưới thời Giáo hoàng Francis, Vatican chứng kiến những nỗ lực lớn trong việc đối thoại liên tôn giáo. Ông đã có các cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng với Đại giáo trưởng Hồi giáo Al-Azhar và Giáo sĩ Shia hàng đầu ở Iraq – Ayatollah Ali al-Sistani, nhằm xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo lớn và thúc đẩy hòa bình thế giới.
Dù không thay đổi giáo lý truyền thống, Giáo hoàng Francis vẫn mở ra không gian đối thoại về các vấn đề như người đồng tính, người ly dị, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội… bằng một thái độ mềm mại, cởi mở và nhân văn.
Giáo hoàng Francis sẽ luôn được nhớ đến như một vị lãnh đạo không chỉ của Giáo hội Công giáo, mà còn là tiếng nói có sức ảnh hưởng toàn cầu về đạo đức, công bằng xã hội và nhân quyền. Sự ra đi của Giáo hoàng Francis, Giáo hội Công giáo và thế giới mất đi một nhân vật vĩ đại – người đã sống trọn vẹn sứ mệnh phục vụ trong suốt cuộc đời, và để lại một di sản nhân ái kéo dài vượt qua thời gian.
Tuấn Khang
-
Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
-
Việt Nam cử quân nhân tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở Nga
-
Nga và Ukraine tiến hành đợt trao đổi tù binh lớn nhất từ khi xung đột nổ ra
-
Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng trước đe dọa tăng thêm 50% thuế từ ông Trump
-
Nhà Trắng bác bỏ thông tin ông Trump tạm dừng thuế quan mới trong 90 ngày
-
Hàng loạt hố tử thần xuất hiện ở Thái Lan sau động đất
-
Xôn xao việc Tổng thống Trump muốn sáp nhập Alaska thành tiểu bang thứ 53 của Mỹ: Thực hư ra sao?
-
Nga xiết chặt vòng vây Kursk, 100 lính chui đường ống xâm nhập phòng tuyến: Ukraine “tình hình rất tệ”