Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn từng bị ‘lộ tẩy’ ra sao?

thaiduyanh34 |


(VTC News – Cafemoi.vn) –  
Nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn chưa từng bị địch phát hiện, nhưng thật oái oăm, ông Ẩn bị ông Ba Quốc lúc đó làm việc tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, nhận ra.

Phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. (Video: Media21)


Báo Điện tử VTC News
trích một số thông tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng trả lời phỏng vấn khi Media 21 sản xuất series tài liệu “Nhà tình báo Đặng Trần Đức”.


Cưa chân 6 lần không khai

Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc) từng kể với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh những câu chuyện trong lòng địch hậu, chứng kiến cảnh cán bộ tình báo của ta bị địch bắt khi ông làm ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo nguỵ.

Đây là những điều trớ trêu và đau lòng nhất của tôi, dù không trực tiếp tham gia vào quá trình khai thác các cán bộ tình báo của ta bị bắt“, ông Ba Quốc kể.



Nhà tình báo Ba Quốc (phải) và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. (Ảnh: Tư liệu)

Khi ấy, ông Ba Quốc đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng An ninh nội bộ nên may mắn không trực tiếp khai thác đồng đội của mình. Tuy nhiên, ông biết rất rõ quá trình địch khai thác cán bộ tình báo cách mạng.

Cán bộ tình báo của ta khi bị bắt – bị khai thác bí mật bởi lực lượng tình báo ngụy. Cán bộ của ta bị bắt vào không hồ sơ, không số, không công khai, không được đem ra tòa xử. Đồng nghĩa, bộ tình báo của ta bị địch bắt chỉ có ba con đường. Một là bị thủ tiêu sau khai thác. Hai là buộc phải khai và được địch lợi dụng đánh bại tổ chức của ta, khi hết giá trị có thể bị thủ tiêu. Ba là, những người trung kiên nhất định không khai. Những người này, khi có cơ hội sẽ được đồng đội tìm cách đưa ra khỏi nhà tù tình báo địch.

Nói vậy để thấy tình báo của ta lúc bấy giờ bị bắt chịu muôn vàn cực khổ, khó khăn và đối phó với biện pháp rất tinh vi, xảo quyệt của mật vụ tình báo chính quyền Sài Gòn với sự hỗ trợ của CIA… Với người tình báo của ta, khi vào tù là chấp nhận hy sinh…“, ông Ba Quốc kể với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Khó khăn nhất, gian khổ nhất của cán bộ tình báo bị địch bắt là đối diện với những thủ đoạn khai thác của địch. Địch đem tiền, đem chức quyền, đem vật chất làm mồi nhử… nhưng cán bộ của ta đều có thể vượt qua được cám dỗ tầm thường đó.

Ông Ba Quốc cũng nhắc về những tấm gương cán bộ tình báo kiên trung, bất khuất khi bị địch bắt. Điển hình là Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (ông Hai Thương). Ông bị bắt và bị cả Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa và CIA khai thác, hứa hẹn đủ điều, nhưng ông quyết không khai.

Cuối cùng địch cưa chân ông ấy. Cưa sống, không gây mê, chỉ gây tê để ông ấy cảm nhận được cái đau. Chúng cưa bằng cưa thợ mộc chứ không phải cái cưa y tế… Sáu lần cưa như thế mà ông Hai Thương không khai“, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thuật lại qua lời kể của ông Ba Quốc.

Hay tấm gương của ông Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương) – nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương). Khi bị bắt, ông Mười Hương nhất quyết không khai ra tổ chức, mạng lưới của ta. Do vậy, ông phải chịu đòn roi tra tấn gấp mười lần người khác.

Nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn.

Những lần nhận ra đồng chí trong lòng địch

Ông Ba Quốc kể với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rằng, trong công tác tình báo, nguyên tắc bảo mật và khoảng cách giữa các điệp viên là cực kỳ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, việc nhận ra nhau trong lòng địch là điều rất hiếm gặp. Nếu nhận ra nhau thì nguy cơ bị địch phát hiện sẽ rất cao, đồng nghĩa với sự hy sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ông Ba Quốc hai lần nhận ra đồng chí của mình.

Người đầu tiên ông nhận ra là Phạm Ngọc Thảo – lúc đó đang là Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), một ngôi sao trong chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ông Thảo lạ lắm, học ở Pháp về rồi theo Việt Minh đánh Pháp, sau đó mới quay về Sài Gòn và được anh em Diệm, Nhu rất coi trọng. Có thể nói ông ấy là một ngôi sao sáng trong bầu trời chính trị – quân sự Sài Gòn bấy giờ. Tôi nghiên cứu về ông Thảo có những điều ngờ ngợ…“, ông Ba Quốc kể lại với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Qua thời gian theo dõi, ông Ba Quốc thấy nhiều điểm bất thường từ ông Thảo. Tuy theo công giáo nhưng ông Thảo vẫn giữ bàn thờ tổ tiên, điều tối kỵ với chế độ Sài Gòn. Giữ chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền Sài Gòn, khu vực ông Thảo phụ trách lại không hề bị vỡ cơ sở cách mạng. Phong trào Đồng khởi thậm chí còn bắt đầu từ vùng này. Ông Thảo làm nhiều việc cho địch nhưng lại không có hại cho ta.

Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra các cuộc đảo chính ở miền Tây và Sài Gòn do ông Thảo tổ chức, ông Ba Quốc càng củng cố niềm tin rằng Phạm Ngọc Thảo ít nhất là người có cảm tình với cách mạng, nếu không phải là cán bộ tình báo.

Khi đảo chính thất bại, ông Phạm Ngọc Thảo chạy xuống nhà thờ ở Hố Nai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Thời điểm ấy, ông Ba Quốc với tư cách là người phụ trách mối quan hệ với cụm tôn giáo của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH, nói với một số cha xứ ở Hố Nai rằng ông Thảo không phải là người của cách mạng mà cuộc đảo chính này là vấn đề nội bộ của chính quyền, nhờ các cha giúp che giấu và ngăn chặn Dương Văn Hiếu sát hại ông Thảo.

Thế nhưng, tất cả những việc ông Ba Quốc làm đã muộn. Khi ông xuống đến nơi thì Thảo đã bị tướng Nguyễn Ngọc Loan (đính chính từ người viết) sát hại. Chính quyền Sài Gòn khi sát hại ông Thảo cũng không chứng minh được ông là người của cách mạng.

Ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2005. (Ảnh: AFP)

Người thứ hai mà ông Ba Quốc “ngờ ngợ” là cán bộ tình báo của ta hoạt động trong lòng địch là ông Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn). Ông Ba Quốc nói rằng: “Tôi hoàn toàn không ngờ được ông ấy là người của tình báo ta“.

Khoảng năm 1964-1965, khi công tác ở Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo VNCH, ông Ba Quốc được giao nhiệm vụ đến gặp, tìm kiếm, tiếp xúc với ông Phạm Xuân Ẩn – phóng viên của Tạp chí TIME, người mà CIA cũng bám riết vì khả năng nắm bắt tin tức đáng kinh ngạc.

Qua lần gặp đầu tiên, ông Ba Quốc nhận thấy ở Phạm Xuân Ẩn sự khác biệt. Ông Ẩn nói tiếng Anh như người Mỹ, phong cách sống, sinh hoạt cũng giống người Mỹ hoàn toàn – từ cách ăn mặc, đi lại cho đến cách tiêu khiển như dắt chó Becgie, uống cà phê sáng chủ nhật.

Ông Ba Quốc gặp ông Ẩn thông qua một người quen. Ông Ba kể, khi gặp nhau, ông Ẩn nói với tôi rằng: “Anh là người ở Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo, tôi quen rất nhiều người ở bên đó, còn anh sang đây gặp tôi chắc là để nắm thêm tin tức. Tôi sẵn sàng, tôi giúp anh tin về chiến sự, tin về nội bộ chính quyền Sài Gòn hay một phần tin về ý đồ của cộng sản. Những gì tôi biết tôi sẽ giúp anh“, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thuật lại lời ông Ba Quốc kể về cuộc gặp đầu tiên với ông Phạm Xuân Ẩn.

Ông Ba Quốc nghe vậy rất mừng, nhưng sau đó ông Ẩn lại giải thích vì sao lại có tin đó. Nào là làm báo tiếp xúc với nhiều giới, rồi được đọc các bản cung của binh sĩ cộng sản bị chính quyền Sài Gòn bắt, rồi được theo các tư lệnh chiến trường của chính quyền Sài Gòn đi hành quân, rồi thông tin từ phía Mỹ do New York Time cung cấp…

Ông Ba Quốc nhận ra ông Ẩn tập trung nhiều vào việc giải thích lý do mình có tin tức, hơn là nội dung tin. Điều đó khiến ông Ba Quốc “ngờ ngợ”. Tuy nhiên, ông Ba Quốc đánh giá ông Ẩn không phải là nhà báo bình thường được mà phải có một cái gì đằng sau.

Sau đó, ông Ba Quốc tổ chức cho theo dõi ông Ẩn bằng nhóm ngoại tuyến riêng. Vài tuần theo dõi, ông Ba Quốc phát hiện Phạm Xuân Ẩn có liên lạc bí mật qua các hộp thư giấu ở chợ chim, chợ chó gần chợ Bến Thành.

Quá bất ngờ, ông Ba Quốc lập tức báo cáo ra Hà Nội rằng ông Ẩn là cán bộ tình báo, điệp viên của một tổ chức nào đó. Chứng cứ là ông Ẩn có liên lạc mật bằng hộp thư tại chợ chim Sài Gòn, theo quy ước là vào ngày Chủ nhật. Ông Ẩn biết rất nhiều về cách mạng nên cần phải xử lý.

Điều kỳ lạ là chỉ sau thời gian rất ngắn, điện trả lời ông Ba Quốc từ Hà Nội với nội dung: “Từ nay chấm dứt theo dõi ông Phạm Xuân Ẩn, không liên quan gì đến ông Ẩn, không tiếp xúc và cũng không có động thái gì nữa đối với ông Ẩn“.

Điều này càng khiến ông Ba Quốc nghi hoặc rất có thể Phạm Xuân Ẩn chính là người của ta. Từ đó cho đến năm 1975, ông Ba Quốc và ông Phạm Xuân Ẩn gần như không gặp nhau, hai ông tránh nhau.

Sau năm 1975, ông Ba Quốc và ông Ẩn gặp nhau và kể câu chuyện này với nhau. Đến lượt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được nghe câu chuyện này thì ông mới hỏi lại rằng: “Vậy sơ hở lớn nhất của các chú có phải là các chú vẫn giữ được đạo đức khi sống trong lòng địch, vẫn giữ lối sống trong sạch khi ở trong lòng địch?” và các ông đều gật đầu.

Tuy nhiên, ông Ba Quốc giải thích hơi khác: “Lối sống trong sạch có thể làm mình lộ, cái đó đúng. Nhưng không có lối sống trong sạch thì mình cũng không còn trung thành để mình làm theo tổ chức. Cho nên chấp nhận nguy hiểm để không sa chân vào những cái không trong sạch, để giữ được khí tiết và giữ được lòng trung thành với tổ chức“.

 

PV

Đường dây nóng: 091 3122 424

VIDEO NỔI BẬT TUẦN QUA

TIN NỔI BẬT Á CHÂU

Tiết lộ về 15 khẩu đại bác 60 tấn sẽ gây bất ngờ trong ngày trọng đại của đất nước

07/04/2025 21:53

Đội pháo lễ sẽ bắn 21 loạt trên nền Quốc thiều Việt Nam trong ngày trọng đại của đất nước.   15 khẩu đại bác nặng tổng 60 tấn sẵn sàng ở Công viên Bến Bạch Đằng Tối ngày 6 tháng 4, Lữ đoàn Pháo binh 96 đã điều động và bố trí 15 khẩu [...]

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị khởi tố vì sản xuất hàng giả

04/04/2025 19:15

Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk. Tối 4/4, thông tin tại cuộc họp báo Quý I, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công [...]

    Đọc thêm

    Báo lỗi cho Cafe mới



    *Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại


    Translate »