Ngày 30-4-1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!

thaiduyanh34 |

(KGO – Cafemoi.vn) – Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, chiến sĩ Nguyễn Văn Tập lái đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập.

Sáng sớm ngày 30-4-1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ảnh: Cờ Giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4-1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN

5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh tổng công kích đánh vào nội đô thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Từ bốn hướng, quân ta ồ ạt tiến đánh năm mục tiêu then chốt đã định và cùng với nhân dân tiến công và nổi dậy giành toàn thắng cho chiến dịch.

Ở hướng tây nam, Sư đoàn 9 của Đoàn 232, sau khi chiếm bàn đạp Vĩnh Lộc, phát triển vào ngã tư Bảy Hiền, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Một bộ phận của Sư đoàn 9 chiếm khu Tân Tạo, Trạm rađa Phú Lâm, phát triển đến Trường đua Phú Thọ.

Sư đoàn 5 đánh tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 22 và Liên đoàn 6 biệt động quân, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Trung đoàn 16 đánh chiếm cầu An Lạc, cầu Bình Điền, phát triển diệt địch cùng nhân dân giải phóng Quận 5, Quận 6. Trung đoàn 24 và bộ đội đặc công đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia lúc 10 giờ 30 phút. Trung đoàn 88 đánh chiếm cầu ông Thìn, ngã ba An Phú, phát triển diệt địch, chiếm khu Nhà Bè.

Bộ đội đặc công vùng ven cùng nhân dân đánh địch, làm chủ quận Tân Bình, quận Bình Chánh và đặc khu Rừng Sát.

Ở hướng tây bắc, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 bắt đầu đột phá tiêu diệt địch ngăn chặn ở ngã tư Bảy Hiền. Máy bay địch dội bom xuống đường phố từ cổng số 5 sân bay đến ngã ba Bà Quẹo, yểm trợ cho quân dù phản kích. Đánh tan lực lượng địch cố thủ ở ngã tư Bảy Hiền, Trung đoàn 24 và 1 tiểu đoàn xe tăng của Trung đoàn tăng, thiết giáp 273 phát triển tiến công vào cổng số 5. Địch ngăn chặn quyết liệt, 3 xe tăng T54 của ta bị bắn cháy, nằm cản giữa đường. Trung đoàn 24 tăng cường cho mũi tiến công pháo 85 ly, đánh tan quân địch, mở thông cổng số 5.

Đến 8 giờ 45 phút, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường, Trung đoàn 24 và xe tăng quân đoàn chia làm hai mũi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, tiêu diệt quân địch kháng cự, chiếm Bộ Tư lệnh dù, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự của ta tại Trại Davis. 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 hoàn toàn làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất và kéo lá cờ chiến thắng lên đỉnh cột cờ trong sân bay.

Trung đoàn 24 đang diệt địch ở cổng số 5, đột phá vào sân bay, Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10 và Tiểu đoàn 2 xe tăng thuộc Trung đoàn 273 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 815 do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy cùng tổ cắm cờ Trần Lựu, Nguyễn Duy Tân của Đại đội 10 tiến vào Tổng hành dinh quân địch, cắm lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời lên đỉnh cột cờ ở giữa trước ngôi nhà Bộ Tổng Tham mưu đúng 11 giờ 30 phút.

Các chiến sĩ Trung đoàn 28 chia nhau kiểm soát các phòng làm việc của ngôi nhà, thu toàn bộ con dấu, cờ, ấn kiếm của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Liền sau đó, Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320B đánh chiếm trận địa pháo, sân bay lên thẳng gần cổng số 2, chiếm khu Thông tin, Tổng cục Tiếp vận… phát triển đến nhà làm việc của Bộ Tổng Tham mưu, cắm cờ ở góc trái toà nhà, cùng với Trung đoàn 28 phát triển chiếm tư dinh của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, làm chủ toàn bộ khu vực trụ sở Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

Lúc này, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 đã nhanh chóng phát triển sang quận 1, hiệp đồng với đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Độc Lập. Nhưng Trung đoàn 64 đến nơi, đơn vị bạn đã chiếm xong Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu đã tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện, Trung đoàn 64 dùng một đại đội đánh chiếm khu cư xá sĩ quan Mỹ.

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Quá trình chiến đấu ở đây, 4 chiến sĩ của Trung đoàn 64 đã anh dũng ngã xuống, 12 chiến sĩ khác bị thương. Đó là những giọt máu cuối cùng của cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam đổ xuống đường phố Sài Gòn, góp phần vào sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hướng bắc, Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1 diệt căn cứ Phú Lợi, phát triển tiến công làm tan rã Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn, giải phóng tỉnh Bình Dương. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 1, Sư đoàn 320B tiến công địch ở Lái Thiêu lúc 6 giờ 30 phút, sau đó phát triển đánh chiếm khu vực cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước, mở đường cho Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 66 xe tăng thuộc Lữ đoàn 202 tiến vào nội đô.

Trung đoàn 48 trên đường hành tiến đã tiêu diệt Lữ đoàn 3 kỵ binh tại cầu Bình Triệu, vượt qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh tiến vào cổng số 2 và 3, phối hợp với Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 tiến công, làm chủ toàn bộ Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

Hướng đông, 7 giờ sáng 30-4, Sư đoàn 6 của Quân đoàn 4 cùng với Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 341 tiến công chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa, đánh tan quân địch ngăn chặn ở Hố Nai. Sư đoàn 341 đánh chiếm sân bay Biên Hòa, sau đó phát triển sang Thủ Đức, một bộ phận vượt cầu Ghềnh, tiến vào nội đô.

Sư đoàn 7 sau khi đánh tan địch ngăn chặn ở Tam Hiệp, phát triển vào nội đô đánh chiếm Bộ Chỉ huy thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh. Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 giải phóng Vũng Tàu lúc 9 giờ, phát triển tiến công chiếm Cần Giờ.

Sư đoàn 325 của Quân đoàn 2, sau khi đánh chiếm Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Cát Lái trong ngày 29, đã tổ chức vượt sông Sài Gòn, tiến công địch, giải phóng quận 9 và Thủ Thiêm. Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 do Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 vượt cầu xa lộ Đồng Nai, đánh tan quân địch ngăn chặn, thần tốc tiến về hướng Dinh Độc Lập.

Giữa lúc cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm,” thì lúc 9 giờ 30 phút, Đài Phát thanh Sài Gòn phát tuyên bố thành phố bỏ ngỏ, kêu gọi đơn phương ngừng bắn, bàn giao chính quyền của Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu cho cách mạng.

Nhưng trước đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện khẩn cấp, chỉ đạo “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm toàn thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.

Tiếp tục cuộc tiến công, Đại đội xe tăng của binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, dẫn đầu đội hình tiến chiếm Dinh Độc Lập.

Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, chiến sĩ Nguyễn Văn Tập lái đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ chạy lên tầng thượng của Dinh, giật bỏ lá cờ ba que, treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên đỉnh cột cờ cao nhất của Dinh Độc Lập, lúc này đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Đồng thời với lúc Bùi Quang Thận cắm cờ, Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 bộ binh Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị được Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đường tiến vào phòng khánh tiết. Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu đã tề tựu đông đủ chờ sẵn.

Tiếp sau Phạm Xuân Thệ là Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và Nguyễn Tất Tài – Lữ đoàn trưởng cũng vào phòng Khánh tiết. Dương Văn Minh vội đứng dậy: “Chúng tôi đang đợi các ông đến để bàn giao”. Ngay lập tức một cán bộ của ta tuyên bố: Các ông đã bị bắt, các ông không còn gì để bàn giao, các ông phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện!

Dương Văn Minh chấp nhận, đến Đài Phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!

Cùng ngày 30-4-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện khen tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn – Gia Định. Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn – Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 091 3122 424

VIDEO NỔI BẬT TUẦN QUA

TIN NỔI BẬT Á CHÂU

Tiết lộ về 15 khẩu đại bác 60 tấn sẽ gây bất ngờ trong ngày trọng đại của đất nước

07/04/2025 21:53

Đội pháo lễ sẽ bắn 21 loạt trên nền Quốc thiều Việt Nam trong ngày trọng đại của đất nước.   15 khẩu đại bác nặng tổng 60 tấn sẵn sàng ở Công viên Bến Bạch Đằng Tối ngày 6 tháng 4, Lữ đoàn Pháo binh 96 đã điều động và bố trí 15 khẩu [...]

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị khởi tố vì sản xuất hàng giả

04/04/2025 19:15

Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk. Tối 4/4, thông tin tại cuộc họp báo Quý I, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công [...]

    Đọc thêm

    Báo lỗi cho Cafe mới



    *Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại


    Translate »