Quốc gia đầu tiên cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

thaiduyanh34 |

(Tổ Quốc) – Thượng viện Úc đã thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên nước này sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025. Đây là một thử nghiệm đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong xã hội hiện đại.

Theo hãng AP, các chuyên gia cho rằng không chỉ riêng Úc, nhiều quốc gia khác trên thế giới đều muốn ngăn trẻ sử dụng mạng xã hội cho đến khi 16 tuổi nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của giới trẻ.

Kinh nghiệm của Úc trở thành quốc gia đầu tiên cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội - Ảnh 1.

Hình ảnh một thanh thiếu niên sử dụng truyền thông xã hội ở Úc. Ảnh: AP

Thượng viện Australia đã thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên Australia sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025.

Luật mang tính bước ngoặt này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat phải thực hiện các bước hợp lý để sàng lọc, ngăn chặn những thanh thiếu niên và trẻ em đã có tài khoản. Luật mới gây nên những phản ứng trái chiều trong lứa thanh thiếu niên và trẻ em nước này.

Giống như những nỗ lực trong quá khứ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những điều mà cha mẹ tin rằng chúng chưa sẵn sàng, động thái này cũng gây ra làn sóng phản ứng mạnh, đặc biệt là trong thế giới mà những người trẻ tuổi thường bị cuốn vào thế giới trực tuyến mà chúng tham gia.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2025. Nhưng làm thế nào Úc có thể thực thi lệnh cấm này? Điều đó không rõ ràng. TikTok, Snapchat và Instagram đã trở nên ăn sâu vào cuộc sống của những người trẻ tuổi đến mức khó có thể từ bỏ đột ngột.

Suy cho cùng, đây là thế kỷ 21 — kỷ nguyên mà phương tiện truyền thông xã hội là công cụ truyền thông chính đối với hầu hết những người sinh ra trong 25 năm qua, với nhu cầu tìm kiếm các nền văn hóa chung.

Sáng kiến của Úc có phải là sự phát triển tốt đẹp, lâu dài và bảo vệ những người dễ bị tổn thương hay sẽ là một thử nghiệm mang đến hậu quả không mong muốn?

Các nền tảng sẽ phải chịu trách nhiệm

Luật này sẽ khiến các nền tảng trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Snapchat, Reddit, X và Instagram phải chịu trách nhiệm về khoản tiền phạt lên tới 50 triệu đô la Úc (33 triệu đô la) vì những sai sót mang tính hệ thống trong việc ngăn chặn trẻ em dưới 16 tuổi sở hữu tài khoản.

“Rõ ràng là các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm, đó là điều mà Úc đang cố gắng thực hiện”, ông Jim Steyer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media cho biết.

Các nhà lãnh đạo và phụ huynh ở các quốc gia trên khắp thế giới đang theo dõi chặt chẽ chính sách của Úc vì nhiều quốc gia cũng đang tìm cách bảo vệ trẻ em khỏi những góc khuất nguy hiểm của Internet. Hầu hết các quốc gia đã thực hiện các biện pháp khác nhau, trong đó có tham khảo các ý kiến của cha mẹ về giới hạn độ tuổi tối thiểu.

Nhiều chuyên gia về an toàn trẻ em, phụ huynh và thậm chí cả thanh thiếu niên đều nhận định động thái này của Úc là một bước tiến tích cực.

“Điều quan trọng nhất đối với trẻ em, giống như người lớn, là sự kết nối thực sự giữa mọi người với nhau. Giảm thời gian ở một mình trên màn hình có nghĩa là có nhiều thời gian để kết nối hơn, chứ không phải ít hơn. Tôi tin rằng chúng ta có thể hỗ trợ con mình tương tác theo nhiều cách khác nhau ngoài sử dụng mạng xã hội”, Julie Scelfo, người sáng lập Mothers Against Media Addiction (MAMA), một nhóm phụ huynh với mục tiêu chống lại tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em cho biết.

Tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em đã được ghi nhận đầy đủ trong hai thập kỷ kể từ khi Facebook ra mắt, mở ra một kỷ nguyên mới về tương tác toàn cầu.

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, đặc biệt là khi chúng còn là thanh thiếu niên hoặc thiếu niên, có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo âu hơn — mặc dù vẫn chưa xác định cụ thể nguyên nhân.

Hơn nữa, nhiều trẻ em tiếp xúc với nội dung không phù hợp với lứa tuổi, bao gồm khiêu dâm và bạo lực, cũng như áp lực xã hội về bề ngoài và trang điểm. Chúng cũng phải đối mặt với tình trạng bắt nạt, quấy rối tình dục và những hành vi không mong muốn từ bạn bè cũng như người lạ.

Vì não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên lứa tuổi này, đặc biệt là trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự so sánh xã hội. Vì vậy, ngay cả những bài đăng vui vẻ từ bạn bè cũng có thể khiến chúng rơi vào vòng xoáy tiêu cực.

Các quốc gia khác đang tìm kiếm giải pháp

Đầu năm nay, các bậc phụ huynh ở Anh và khắp châu Âu đã kết nối trên các nền tảng như WhatsApp và Telegram đi đến thông nhất không mua điện thoại thông minh cho trẻ em dưới 12 hoặc 13 tuổi.

Cách tiếp cận này hầu như không tốn kém và không cần sự thực thi của chính phủ. Tại Mỹ, một số phụ huynh cũng ngăn trẻ em sử dụng mạng xã hội thông qua chiến dịch như Wait Until 8th nhằm trì hoãn việc trẻ em sử dụng mạng xã hội và điện thoại.

Mùa thu năm nay, Na Uy đã công bố kế hoạch cấm trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng mạng xã hội, trong khi Pháp đang thử nghiệm lệnh cấm điện thoại thông minh đối với trẻ em dưới 15 tuổi tại một số trường học— một chính sách có thể được triển khai trên toàn quốc nếu thành công.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tổ chức nhiều phiên điều trần tại Quốc hội. Gần đây nhất là vào tháng 1/2024, liên quan đến vấn đề an toàn trực tuyến đối với trẻ em.

Luật liên bang cuối cùng nhằm bảo vệ trẻ em trực tuyến đã được ban hành vào năm 1998, 6 năm trước khi Facebook được thành lập. Vào tháng 7 năm nay, Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật bảo vệ trẻ em khỏi nội dung trực tuyến nguy hiểm. Đây là nỗ lực lớn đầu tiên của Quốc hội Mỹ trong nhiều thập kỷ nhằm buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về các tác hại mà họ gây ra.

Dự luật An toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA) và dự luật Bảo vệ trẻ em trực tuyến (KOPA) quy định rõ nghĩa vụ của các công ty mạng xã hội khi trẻ em sử dụng sản phẩm của họ, tập trung vào việc thiết kế các nền tảng và quản lý những công ty này./.

Hồng Nhung

Đường dây nóng: 091 3122 424

VIDEO NỔI BẬT TUẦN QUA

ĐANG HOT

    Báo lỗi cho Cafe mới



    *Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại


    Translate »