Theo tác giả, trong năm có ý nghĩa lịch sử sâu sắc này, Việt Nam đang kỷ niệm hai cột mốc quan trọng quyết định vận mệnh của đất nước, đó là 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những thời khắc lịch sử này không chỉ để nhớ lại cuộc kháng chiến anh dũng của một dân tộc, mà còn cho thấy tầm nhìn của một quốc gia đã biến những vết sẹo chiến tranh thành nền tảng của sự tiến bộ.
Bài báo đề cập tới Chiến thắng 30/4/1975, khép lại nhiều thập kỷ đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại các thế lực thù địch và xâm lược nước ngoài. Chiến thắng này không chỉ định hình lại bản đồ địa chính trị mà còn truyền cảm hứng cho các phong trào chống thực dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả của cuộc đấu tranh đó rất lớn, khiến hàng triệu sinh mạng mất đi, đất đai bị tàn phá bởi chất độc da cam và nền kinh tế bị chia cắt.
Từ thời kỳ Pháp đô hộ tới giai đoạn Mỹ can thiệp, người dân Việt Nam luôn đối mặt với một cuộc chiến không cân sức, nơi mà họ, từ nông dân, chiến sĩ tới phụ nữ và trẻ em, phải chống lại cỗ máy chiến tranh bằng sự khéo léo và quyết tâm của mình. Nơi những người hiện thân cho tinh thần độc lập như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, đã lãnh đạo đất nước dưới chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Kênh truyền thông Mundo Obrero cũng nêu bật cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, hoạt động của địa đạo Củ Chi và việc huy động quần chúng đã chứng minh hiệu quả của chiến lược kết hợp giữa cuộc đấu tranh quân sự và tinh thần kiên trung, bất khuất, đoàn kết, yêu nước và chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam.
Lược lại lịch sử 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3/2/1930 đến nay, tác giả bài báo miêu tả Đảng Cộng sản Việt Nam như ngọn hải đăng dẫn đường cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đồng thời đề cập tới những khó khăn, thách thức Đảng phải đối mặt trong việc lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và sau đó thực hiện công cuộc tái thiết sau năm 1975.
Kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha ca ngợi chính sách Đổi mới mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đề ra năm 1986, mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách đổi mới này đã biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành một cường quốc sản xuất gạo, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% vào năm 1993 xuống dưới 5% vào năm 2020 và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Theo Mundo Obrero, Việt Nam ngày nay là một nhân tố chủ chốt tại khu vực châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và đạt nhiều tiến bộ trong giáo dục và công nghệ.
Các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự phát triển kinh tế năng động. Hơn nữa, Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng, trong đó phát triển mối quan hệ với cả Mỹ.
Trong thời khắc kỷ niệm các sự kiện trọng đại của dân tộc và trong bối cảnh thế giới biến động đầy thách thức, lịch sử cho thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã vượt qua những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua.