Tâm Điểm: Từ “đánh chắc, tiến chắc” đến “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”
Tác Giả: Lê Thanh Bài – Theo Báo Dân Trí
Ba mươi năm tiến hành chiến tranh cách mạng, quân và dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi hai cuộc tiến công chiến lược để kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cả hai cuộc tiến công chiến lược đó đều có những nét tương đồng, đó là tập trung lực lượng lớn nhất của cuộc kháng chiến, là tiến công rộng khắp, đánh bại quân địch trên các hướng chiến trường quan trọng để đi đến thực hiện thành công trận quyết chiến chiến lược. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương châm tác chiến, lại mang hai nét gần như trái ngược. Ở chiến cuộc Đông Xuân 1953 ta thực hiện phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta thực hiện “đánh chắc, tiến chắc”; trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: Hứa Kiểm/ TTXVN)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, thời điểm mở màn chiến dịch đã lùi lại so với dự kiến ban đầu gần hai tháng, bằng trận tiến công cứ điểm Him Lam vào ngày 13/3/1954. Ta đã buộc địch giao chiến vào thời gian do ta ấn định, đẩy địch từ thế chủ động sang thế bị động đối phó.
Qua ba đợt tiến công, ta đã thực hiện tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng bằng cách đánh do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, kết hợp siết chặt trận địa bằng hào giao thông, triệt nguồn tiếp tế, để đi đến giành thắng lợi, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – hình thức phòng ngự kiên cố nhất lúc bấy giờ của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, “55 ngày đêm tiến công thần tốc và nổi dậy vũ bão, đánh tan hơn một triệu quân địch, làm cho chúng không kịp trở tay, là sự thể hiện cao nhất và tuyệt vời của chiến lược tổng hợp của chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam”.
Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 có những nét tương đồng. Đó là những cuộc tiến công được huy động sức mạnh cao nhất của cả dân tộc. Riêng lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 80.000 người, trong đó bộ đội chủ lực khoảng 55.000 người bao gồm các đại đoàn 308, 312, 316, 304 (thiếu Trung đoàn 66), Đại đoàn công – pháo 351 cùng các lực lượng binh chủng khác.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đánh tan cơ quan đầu não và lực lượng quân sự quan trọng nhất của ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta cũng phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước. Riêng lực lượng bộ đội chủ lực có 15 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và một số đại đội đặc công, biệt động; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng – thiết giáp, 22 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; các đơn vị binh chủng khác; một bộ phận không quân, hải quân. Lực lượng vũ trang địa phương có 2 trung đoàn, nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ binh, 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động với 60 tổ cùng nhiều đơn vị dân quân tự vệ.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất là chọn phương châm tác chiến. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có sự lựa chọn lịch sử, khi chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, giải quyết từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng để đi đến đập tan tập đoàn cứ điểm được thực dân Pháp dày công xây dựng và đặt kỳ vọng là “cối xay thịt Việt Minh” để kết thúc chiến tranh có lợi cho thực dân Pháp. Đó là sự lựa chọn phù hợp với khả năng và trình độ tác chiến của bộ đội, đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch. Với phương châm tác chiến đó, chúng ta đã phải lùi thời gian nổ súng gần 2 tháng.
Hơn 20 năm sau, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh lựa chọn phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, tập trung một lực lượng quân sự lớn chưa từng có, thực hiện hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương, giữa các hướng tiến công, giữa các binh chủng của một tập đoàn chiến lược binh chủng hợp thành khi tiến công vào các đô thị Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng. Những cánh quân của chúng ta đã tạo thế bao vây áp đảo, lần lượt tiêu diệt từng sư đoàn địch, đánh chiếm từng mục tiêu chiến dịch, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, phát huy thắng lợi để giải phóng không gian rộng lớn. Đối với chiến dịch Hồ Chí Minh đồng loạt tiêu diệt các sư đoàn địch bên ngoài, đồng thời thọc sâu đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu chiến dịch bên trong, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tập đoàn phòng ngự chiến dịch của quân địch, giải phóng không gian chiến dịch trong thời gian ngắn.
Thành công về lựa chọn phương châm tác chiến của hai cuộc tiến công chiến lược kết thúc chiến tranh đã khẳng định nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng trong đánh giá tương quan lực lượng: ở Điện Biên Phủ khi địch đã hình thành thế trận phòng ngự vững chắc, trong khi lực lượng ta còn yếu về trang bị, hỏa lực, chưa quen đánh tập đoàn cứ điểm nên đã lựa chọn “đánh chắc, tiến chắc” để đảm bảo chắc thắng.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đánh giá tương quan lực lượng ta đã mạnh hơn địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã giải được câu hỏi về lựa chọn thời cơ, chớp thời cơ, tập trung binh lực, lấy tiến công quân sự là chính để đánh tiêu diệt lớn của khối chủ lực giữ vai trò quyết định, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp lớn nhất của cả quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy, hạ quyết tâm chính xác, hành động kiên quyết, kịp thời, giành thắng lợi lớn nhất, nhanh nhất.
Từ kế hoạch hai năm, đã thực hiện trọn vẹn trong thời gian không đầy hai tháng, bằng tập trung chỉ đạo từ tiến công chiến lược phát triển thành tổng tiến công và nổi dậy với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” để giành thắng lợi nhanh nhất, trọn vẹn nhất. Đó cũng là kết quả của quá trình vừa chiến đấu và xây dựng, phát triển lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, chứng tỏ sức mạnh tác chiến của các binh đoàn chiến lược trong tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đủ khả năng đánh tiêu diệt lên trình độ cao bằng tiêu diệt và đánh tan từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng. Đó là sự phát triển toàn diện về sức mạnh chiến đấu, nhất là về trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện thành công phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, khẳng định sự phát triển sức mạnh, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Tác giả: Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Theo Báo Dân Trí
-
Tâm Điểm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ” trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975
-
Tâm Điểm: Từ “đánh chắc, tiến chắc” đến “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”
-
Dự án liên quan đến thành viên của tập đoàn GFS chậm tiến độ 7 năm
-
Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý đất đai ở Hoàng Mai, Hà Nội: (Bài 1) Lãng phí tài nguyên, ngân sách thất thu
-
Xe điện siêu nhỏ “làm mưa làm gió” tại Trung Quốc: Mẫu đứng đầu đã về Việt Nam
-
Ông Hun Sen nêu lý do Campuchia từ chối dự hội nghị hòa bình Ukraine: “Xin đừng đổ lỗi cho Trung Quốc”
-
Ông Hun Sen nêu lý do Campuchia từ chối dự hội nghị hòa bình Ukraine: “Xin đừng đổ lỗi cho Trung Quốc”
-
Việt Nam sở hữu một mặt hàng xứng danh “ngon bổ rẻ” được người châu Âu liên tục săn đón, xuất khẩu thu về hàng trăm triệu USD từ đầu năm