Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
(Tổ Quốc) – Ngày 4/12, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra chương trình họp cấp cao về “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và Liên Hợp Quốc triển khai (dự án EVAWC).
Theo báo cáo của Ban tổ chức, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một thách thức đáng kể ở Việt Nam. Theo Nghiên cứu quốc gia năm 2019 về Bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, cứ mỗi 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, kinh tế hoặc tâm lý, lạm dụng tình cảm và kiểm soát hành vi từ bạn tình của họ trong suốt cuộc đời. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi hầu hết phụ nữ (90,4%) không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc chính quyền.
Khoảng 4,4% phụ nữ được khảo sát đã từng trải qua bạo lực tình dục trước 15 tuổi. Theo khảo sát năm 2020 về các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ, 72% trẻ em Việt Nam từ 1 đến 14 tuổi bị các thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực. Và trong số hơn 2.000 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo chính thức hàng năm, trong đó 75% liên quan đến lạm dụng tình dục theo dữ liệu hành chính chính thức.
Để ứng phó, Chính phủ Việt Nam và Australia đã hợp tác với UNFPA, UNICEF và UN Women để thực hiện dự án chung “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) như: hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng tài liệu, tập huấn về công tác gia đình, PCBLGĐ…
Nổi bật là Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật PCBLGĐ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Luật được đánh giá có nhiều điểm tích cực, tiến bộ, tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình, nhất là đối tượng yếu thế làm trung tâm; mọi chính sách ngăn chặn, bảo vệ hỗ trợ, xử lý vi phạm đều bảo đảm lợi ích của người bị bạo lực gia đình.
Sau khi Luật được thông qua, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai thi hành Luật: tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật; tham mưu Thủ tưởng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng Tài liệu giới thiệu Luật; đẩy mạnh phổ biến giáo dục Luật… Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác gia đình như thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các Đề án của Chiến lược; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; công tác bình đẳng giới, công tác trẻ em trong gia đình; truyền thông về gia đình…Qua theo dõi, đánh giá thì Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành thực hiện tốt công tác gia đình nói chung, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Để chấm dứt bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em và thúc đẩy sự thay đổi lâu dài và bền vững, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. hiệu quả, thiết thực hơn, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tập trung tăng cường hiệu quả thực thi luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó trọng tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong gia đình; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực đảm bảo tính kịp thời, lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức… và tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế tham gia hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ đang trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an quan xây dựng và hoàn thiện nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định có nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình về nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Luật mới sửa đổi.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ; triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình, thiết lập mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy xã hội hóa đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình như hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình, trong phát hiện và báo tin về bạo lực gia đình. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành ở cả trung ương ương, địa phương và các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam, Đà Nẵng là một trong những thành phố được chọn thực hiện dự án EVAWC. Dự án được triển khai từ năm 2021 đến nay đã mang nhiều ý nghĩa nhân văn và giá trị đối với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thành phố đã có nhiều dự án thực hiện cùng các cơ quan Liên Hợp Quốc với đối tượng tiếp nhận là phụ nữ và trẻ em như dự án sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; dự án sáng kiến xây dựng Đà Nẵng thành thành phố an toàn và phi bạo lực cho phụ nữ và trẻ em; chương trình làm cha…
Tháng 4/2024, Đà Nẵng đã phê duyệt Quyết định số 851về việc ban hành Quy chế phối hợp về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Thành phố đã xây dựng năng lực cho các bên liên quan thông qua 3 khóa đào tạo về gói dịch vụ thiết yếu dành cho cán bộ chính quyền Đà Nẵng, mạng lưới tư vấn TP. Đà Nẵng, thành viên các địa chỉ đáng tin cậy và câu lạc bộ ủng hộ nam giới; các hoạt động truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục tại nơi công cộng tại Đà Nẵng.
Ông Matthew Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết: “Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (VAWC) vẫn là một thách thức. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn của VAWC và thúc đẩy sự thay đổi lâu dài, cần có một cách tiếp cận toàn diện: cải thiện chính sách, tăng cường năng lực thể chế, tăng cường phối hợp đa ngành và trao quyền cho cộng đồng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Liên Hợp Quốc mong muốn tìm hiểu về những nỗ lực của Đà Nẵng trong hợp tác đa ngành để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em cũng như các dịch vụ ứng phó tích hợp cho phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em. Các can thiệp toàn cầu thành công cho thấy lợi ích của phòng ngừa và ứng phó đối với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Liên Hợp Quốc cam kết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ các nỗ lực của thành phố Đà Nẵng.”
Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho biết: “Dựa trên những thành công và kinh nghiệm đạt được, Liên Hợp Quốc nỗ lực mang đến một chương trình hỗ trợ toàn diện và tích hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia để Đà Nẵng trở thành một thành phố an toàn và đáng sống dành cho phụ nữ và trẻ em được công nhận trên toàn cầu, nhằm xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Về Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam (EVAWC) giai đoạn 2021-2025: Để ứng phó với vấn đề bạo lực, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các chính sách và luật pháp như Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật trẻ em năm 2016, và Luật Bình đẳng giới năm 2006. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số chương trình quốc gia để giải quyết những vấn đề này. Nhằm hỗ trợ những nỗ lực này, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã hợp tác với UNFPA, UNICEF và UN Women để phối hợp với Bộ LĐTBXH và Bộ VHTTDL nhằm thực hiện Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
-
Infographics: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
-
Tuần Du lịch- Văn hóa Lai Châu năm 2024: Cơ hội khám phá phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc
-
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
-
Gắn kết di sản và du lịch để phát triển bền vững
-
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp
-
Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
-
Quốc gia đầu tiên cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Nhật Bản triển khai hợp tác ODA thế hệ mới cho Việt Nam